Vì sao kiểm toán nội bộ chưa phổ biến?

Theo Viện Kiểm toán Nội bộ IIA, “Kiểm toán nội bộ” là hoạt động đảm bảo tư vấn độc lập, khách quan, được thiết kế nhằm tăng giá trị và giải quyết các hoạt động của tổ chức. Kiểm toán nội bộ giúp doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đề ra thông qua việc áp dụng các phương pháp có hệ thống và quy tắc nhằm đánh giá và nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro, kiểm soát và các quy trình quản trị”.

Những năm 1940, kiểm toán nội bộ (KTNB) bắt đầu hình thành và phát triển trên thế giới cả về lý thuyết lẫn thực tiễn. Theo đó, nhiệm vụ của kiểm toán viên nội bộ đã thay đổi từ việc xem xét những sai lầm và ngăn ngừa gian lận sang phân tích hoạt động và quản lý của công ty. Tuy nhiên, ở Việt Nam, vai trò của KTNB vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức và đầy đủ.

TTL CONSULTING xin đăng tải lại bài Phỏng vấn ông Richard.F Chambers – Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ do PV Đỗ Doãn, Thời báo Tài chính Việt Nam thực hiện, nhằm chia sẻ rõ hơn về mục đích của KTNB  đối với hoạt động của doanh nghiệp hiện nay.

———————————————————————————————–

VÌ SAO KIỂM TOÁN NỘI BỘ CHƯA PHỔ BIẾN?

Kiểm toán nội bộ giúp doanh nghiệp (DN) lường trước được nhiều rủi ro có thể xảy đến, giúp gia tăng hình ảnh DN đại chúng trong mắt cổ đông, đem lại sự phát triển tốt hơn cho DN… Nhưng vấn đề này vẫn chưa được các DN Việt Nam quan tâm, chú trọng.

Liên quan đến thực tế này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi ngắn với ông Richard.F Chambers – Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc toàn cầu Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ (The IIA).

PV: Là một chuyên gia đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán, ông có thể cho biết cụ thể những lợi ích mà bộ phận kiểm toán nội bộ mang lại cho DN?

– Ông Richard.F Chambers: Chúng ta cần phải biết rằng tất cả các công ty trên thế giới, không riêng trong một lĩnh vực hoặc ngành công nghiệp nào, đều đang phải chịu rất nhiều rủi ro, như những rủi ro liên quan đến luật pháp, rủi ro liên quan đến tổn thất tài sản… Rủi ro là yếu tố ngăn cản sự phát triển, là nguyên nhân chính dẫn đến sự giảm doanh thu của công ty. Do đó, chức năng kiểm toán nội bộ sẽ giúp công ty cải thiện được những rủi ro này.

Vai trò của bộ phận kiểm toán nội bộ là giúp hội đồng quản trị (HĐQT) hiểu được những rủi ro đó là gì, cấp quản lý đánh giá mức độ rủi ro đã đúng và phù hợp hay chưa…; sau đó, sẽ lập ra chiến lược kiểm soát hiệu quả để giúp công ty đối phó hoặc phòng tránh những rủi ro đó.

Ví dụ như, khi có một điều luật hoặc một quy định mới được ban hành mà công ty bắt buộc phải làm theo, nếu công ty không tuân thủ thì hình phạt đến sẽ là tất yếu. Khi đó, nhiệm vụ của kiểm toán viên nội bộ là xác định xem công ty có đang tuân thủ theo đúng luật hay không, ban quản trị có đang làm đúng với những gì luật pháp quy định hay không để đảm bảo rằng những hoạt động của công ty không đi quá với những gì mà luật pháp cho phép.

Tất cả những điều trên cho thấy những giá trị của kiểm toán nội bộ mang lại là rất lớn bởi đảm bảo được với HĐQT rằng mức độ kiểm soát những rủi ro của công ty đang ở đâu, việc quản lý có tốt hay không…

“Doanh nghiệp Việt Nam cần được giới thiệu nhiều hơn về lợi ích của kiểm toán nội bộ trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển” – ông Richard.F Chambers

Ông Richard.F Chambers – Chủ tịch Hiệp hội Kiểm toán nội bộ Hoa Kỳ . Ảnh: PV Đỗ Doãn – TBTCVN

PV: Như ông nói thì kiểm toán nội bộ cực kỳ thiết thực, nhưng tại Việt Nam hiện nay, số DN áp dụng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông có thể lý giải thực tế này không ạ?

– Ông Richard.F Chambers: Vâng, vấn đề mà bạn đề cập không chỉ có ở Việt Nam mà còn ở rất nhiều nước đang phát triển. Lý do là bởi DN vẫn chưa nhận thấy được tầm quan trọng của bộ phận kiểm toán nội bộ.

Bên cạnh đó, những công ty mới mở hoặc những công ty có quy mô nhỏ cũng chưa thật sự cần có một kiểm toán viên nội bộ, nên họ không thể hiểu được những giá trị và cơ hội mà một kiểm toán viên nội bộ có thể mang lại.

PV: Vậy đâu là nguyên nhân lớn nhất của vấn đề này, thưa ông?

 Ông Richard.F Chambers: Vấn đề lớn nhất là hiện nay phụ thuộc vào quy mô của DN. Tuy nhiên, chủ DN cần phải hiểu rằng, họ có thể sẽ phải chịu rủi ro cao hơn nếu họ không có một kiểm toán viên nội bộ đúng nghĩa. Bởi vì khi có một kiểm toán viên giỏi và dày dặn kinh nghiệm sẽ giúp bạn kiểm soát công ty tốt hơn, đánh giá và quản lý rủi ro hiệu quả hơn để có thể bảo vệ được tài sản của công ty và của các cổ đông.

Tôi nghĩ rằng các công ty nên xem và đánh giá lại tầm quan trọng của kiểm toán nội bộ và tôi cũng động viên họ nhìn nhận được sự quan trọng của việc có bộ phận kiểm toán nội bộ trong công ty.

PV: Theo ông thì nên có những quy định buộc DN áp dụng kiểm toán nội bộ không? Đã có quốc gia nào luật hóa vấn đề này chưa, thưa ông?

– Ông Richard.F Chambers: Theo quan sát của tôi thì hầu hết các nước trên thế giới đều không có luật nào yêu cầu DN phải có bộ phận kiểm toán nội bộ. Ví dụ như là ở Hoa Kỳ, nhưng trên thực tế, hầu hết các công ty lớn trên thế giới đều phải có bộ phận có chức năng này.

Điều quan trọng ở đây không phải là vấn đề về những quy định, mà việc có một kiểm toán viên nội bộ là điều đúng và cần phải làm, bởi vì HĐQT hiểu được rằng, họ cần phải có những “tai”, “mắt” độc lập để giúp họ biết được những gì đang xảy ra trong công ty và cũng cho họ biết rằng liệu những mối rủi ro đã được đề phòng và khắc phục hay chưa.

Tuy nhiên, vẫn có một số nước trên thế giới yêu cầu phải có chức năng kiểm toán nội bộ trong những công ty chứng khoán. Ví dụ như là Công ty Chứng khoán Hongkong hay Newyork. Chính phủ yêu cầu những công ty niêm yết này cần cần phải có một bộ phận kiểm toán nội bộ riêng.

Điều này cũng tương đối dễ hiểu bởi kiểm toán viên nội bộ sẽ mang lại sự tự tin cho các nhà đầu tư về giá trị vốn hoá thị trường của công ty. Chính vì thế mà quyền lợi của cổ đông sẽ được đảm bảo chắc chắn và được bảo vệ tốt hơn.

PV: Xin cảm ơn ông!

(Nguồn: PV Đỗ Doãn, Thời báo Tài chính Việt Nam)

DỊCH VỤ

  • DỊCH VỤ KẾ TOÁN
  • DỊCH VỤ TƯ VẤN THUẾ
  • DỊCH VỤ KIỂM TOÁN NỘI BỘ
  • DỊCH VỤ QUẢN LÝ RỦI RO
  • DỊCH VỤ ĐÀO TẠO
  • DỊCH VỤ QUẢN LÝ LƯƠNG
  • DỊCH VỤ TUÂN THỦ VỀ LAO ĐỘNG
  • DỊCH VỤ LIÊN QUAN ĐẾN THỦ TỤC BẢO HIỂM XÃ HỘI
  • TƯ VẤN QUẢN LÝ DOANH NGHIỆP
  • TÁI CẤU TRÚC DOANH NGHIỆP
  • LẬP CHIẾN LƯỢC VÀ KẾ HOẠCH KINH DOANH
  • TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP
WhatsApp chat